Friday, 19/04/2024 - 22:09|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường TH Phú Thuận B2

Người thầy vùng biên giới

Đổi mới tư duy, lao động sáng tạo là một trong những cách làm hay mang lại quả trong các lĩnh vực và càng có ý nghĩa hơn trong ngành giáo dục nên có nhiều tấm gương điển hình xung quanh ta, một trong những tấm gương tôi kính phục nhất là tấm gương của thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Hữu Ấm, công tác tại Trường THCS Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Năm học 2016-2017, thầy được luân chuyển từ Trường THCS Thường Thới Tiền về Trường THCS Thường Phước 1 và tiếp tục giữ chức vụ Hiệu trưởng trường. Nhìn vẻ bề ngoài, thầy là một người rất nghiêm khắc và có vẻ “khó gần gũi”, thế nhưng qua một thời gian tiếp xúc, tôi lại thấy chân dung một con người hoàn toàn khác. Đó là một lãnh đạo có tài năng, bản lĩnh và tâm huyết với nghề. Thầy nhiệt tình, vui vẻ, cởi mở, quan tâm chu đáo đối với tất cả tập thể sư phạm nhà trường, với tất cả học sinh và các mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình học sinh cũng như chính quyền địa phương trong việc phối hợp dạy học và giáo dục học sinh của trường.

Vận động mạnh thường quân tặng xe đạp cho học sinh nghèo

Thầy rất quan tâm đến nền nếp, tác phong đạo đức của học sinh. Thầy thường nói: “Phải tập cho các em có nền nếp tốt, tác phong chuẩn mực, biết lễ phép, biết giữ vệ sinh cá nhân, rèn cho các em kỹ năng tự học,… vào lớp mà không có nền nếp thì làm sao mà học, giáo viên làm sao mà dạy”. Phải thực hiện tốt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, giáo viên thường phản ánh với Ban giám hiệu tình hình học tập và đạo đức của học sinh nào là lười học, không chịu học, vào lớp thì “quậy phá”, không dạy được, học sinh chửi thề, nói tục,... thậm chí có giáo viên đề nghị những em nào không chịu học, không nghe lời thì kỉ luật hoặc cho thôi học. Thầy ngồi im lặng, lắng nghe và ghi nhận từng ý kiến của giáo viên, thầy trầm ngâm suy nghĩ và điềm đạm phân tích trước tập thể sư phạm về những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng học sinh chưa ngoan.

Thầy nói: “Trường học là môi trường giáo dục, phụ huynh tin tưởng vào chúng ta mới gửi con em họ đến đây để chúng ta dạy và giáo dục các em thành trò giỏi, con ngoan. Nếu chúng ta không kiên trì, không nhẫn nại mà lại cho các em thôi học, đồng nghĩa với việc chúng ta đầu hàng, bỏ cuộc, vậy thì nhiệm vụ của mỗi giáo viên chúng ta là làm gì? Nếu như chúng ta chỉ thích dạy những học sinh ngoan, giỏi, thì những học sinh chưa ngoan, những học sinh gặp khó khăn về học ai sẽ dạy! Hay là bỏ luôn, khỏi dạy,… rồi tương lai các em sẽ về đâu!”. Thầy tiếp “Học sinh chắc chắn phải có em ngoan, em học giỏi, em chưa ngoan, chậm tiếp thu bài hoặc có những khiếm khuyết về bản thân. Em nào khá giỏi rồi thì chúng ta bồi dưỡng, tạo nguồn, thi học sinh giỏi để nâng cao hơn, em nào chưa ngoan thì phải giáo dục để các em ngoan, gặp khó khăn về học thì phải có kế hoạch bồi dưỡng để các em tiến bộ. Có như thế các em mới thích học, thích đến trường và yêu quý chúng ta”.

Nghe thầy phân tích và lên kế hoạch, không chỉ bản thân tôi cởi mở tấm lòng và suy nghĩ về việc học tập của học sinh mà tất cả giáo viên cũng thế. Thầy bảo rằng đừng có nói học sinh “quậy phá”, “học yếu kém”, mà là các em chưa ngoan vì chưa được giáo dục đúng cách, các em gặp khó khăn về học, chứ không phải các em yếu kém đâu.

Tôi chợt nhớ câu chuyện Bác Hồ đi thăm trại Nhi đồng ở miền Bắc và Người hỏi thăm tình hình các cháu học sinh miền Nam. Khi nghe chị Thu Trà báo cáo một số cháu học sinh miền Nam nghịch ngợm, quậy phá. Bác hỏi: “Các cô, các chú dạy dỗ thế nào? Bởi lúc ba má các cháu gửi ra miền Bắc thì các cháu đều ngoan và ba má các cháu đều tin tưởng ở hậu phương”. Bác nhắc phải chú ý đến việc các cháu thiếu tình cảm gia đình, phải tìm cách bù đắp. Rồi Bác kết luận: “Lỗi các cháu một phần thì lỗi của người lớn chúng ta phải là mười phần”.

Rồi những lần rộn tin “bạo lực học đường” được phản ánh trên truyền hình, qua tin tức mạng, nhất là tình trạng học sinh đánh nhau, giáo viên đánh học sinh, bảo mẫu hành hạ trẻ em,… Thầy cũng kịp thời thông báo đến hội đồng. Thầy phân tích rất kỹ tác hại của bạo lực học đường,… dù các em có sai phạm, có mất trật tự, vô lễ,… như thế nào đi chăng nữa, phải hết sức nhẫn nhịn, tuyệt đối đừng hành động thiếu tính giáo dục. Tác hại lớn lắm thầy cô à, ảnh hưởng đến tâm lí các em, thậm chí ám ảnh các em suốt cuộc đời. Cũng đừng dùng lời lẽ khó nghe hăm dọa, gây áp lực đối với các em làm cho các em hoang mang, lo sợ, không dám đến trường, không dám vào lớp học. Nghe thầy nói, tôi lại nhớ đến câu chuyện về cuộc nói chuyện giữa Bác Hồ và người thư ký riêng Vũ Kỳ vào năm 1957. Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ: "Chú Kỳ này, có bao giờ chú đánh con không?" Đồng chí Vũ Kỳ ấp úng: "Thưa Bác, khi nóng giận cũng có lúc đánh dọa vài cái rồi ạ!". Bác nghiêm khắc bảo: "Thế là dã man đấy chú ạ! Đối với trẻ nhỏ, cần phải yêu thương, dạy bảo, cảm hoá bằng tình thương, chứ không phải dùng đòn roi."

Thầy được học sinh yêu mến tặng quà nhân ngày tết cổ truyền

Tấm lòng của Bác rất bao dung, đặc biệt với các cháu thiếu nhi. Bác không nói trẻ em hư, không nói con người hỏng mà Bác nhận xét có một số chậm tiến, có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Ấm cũng thế, thầy thường nhắc nhở tập thể giáo viên phải làm việc hết sức mình, phải tìm việc mà làm và dạy dỗ các em bằng tình thương và trách nhiệm. Hãy xem học sinh như là những đứa con của mình, những đứa em, cháu của mình, quan tâm, yêu thương và dạy dỗ các em bằng tình thương của người cha, người mẹ, người anh, người chị thì không khí lớp học sẽ rất nhẹ nhàng, thoải mái và vui vẻ có như thế các em mới ham thích đến trường, mong muốn được gặp thầy cô mỗi khi đến lớp.

Thầy tiết kiệm từng chút cho ngân sách nhà nước. Phòng làm việc của thầy rất ít khi mở đèn hoặc mở quạt, thầy nhắc nhở giáo viên khi hết tiết rời khỏi phòng học, phòng làm việc phải tắt đèn, tắt quạt nếu có. Thầy luôn quan tâm chăm lo các chế độ chính sách của giáo viên, không bao giờ thầy để cho các giáo viên thiệt thòi.

Những tâm huyết và việc làm của thầy làm cho các đồng nghiệp vô cùng khâm phục, họ luôn hăng hái hưởng ứng sự vận động của thầy trong mọi phong trào. Từ đó học sinh ngày càng có sự tiến bộ trong học tập và rèn luyện tác phong đạo đức. Từ năm 2016 đến nay, Trường THCS Thường Phước 1 dưới sự lãnh đạo của thầy, học sinh đạt nhiều thành tích trong các phong trào và thành tích của trường luôn được lãnh đạo ngành đánh giá rất cao. Cá nhân thầy được phong tặng “Nhà giáo ưu tú”

Thầy nhận giấy khen của trường

Bản thân tôi tự nhủ với lòng sẽ cố gắng học tập, trau dồi đạo đức nhà giáo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Ấm cũng là một tấm gương thật để tôi học tập và noi theo./.

Tác giả: Đặng Văn Thi

Nguồn tin: Trường THCS Thường Phước 1

 

  

Lượt xem: 24.712
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 23
Hôm qua : 12
Tháng 04 : 223
Năm 2024 : 1.645